CẦN HOÀN THÀNH NHỮNG THỦ TỤC NÀO SAU KHI CÓ KẾT QUẢ ĐỖ COE?

Loading

COE là một trong những yếu tố rất quan trọng, quyết định đến việc bạn có đi du học Nhật Bản được không. Đỗ COE có nghĩa bạn đã nhận được tư cách lưu trú tại Nhật. Vậy sau khi có COE thì làm gì? Có COE thì khi nào có Visa? Cùng JVGROUP tìm hiểu ngay bài viết dưới đây.

COE LÀ GÌ? CÓ COE THÌ KHI NÀO CÓ VISA?

Với những bạn đã tìm hiểu về du học Nhật Bản hẳn sẽ biết COE là gì. COE là giấy chứng nhận tư cách lưu trú được cấp bởi Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản nhằm mục đích xác nhận về tư cách lưu trú hợp pháp của một người tại Nhật. Vậy nên nó gần như là cánh cửa quan trọng nhất mà các bạn phải vượt qua nếu muốn đặt chân tới nước Nhật để bắt đầu hành trình du học của mình.

COE rất quan trọng nhưng bạn cũng đừng vội mừng khi đã có kết quả COE nhé. Bởi việc đỗ COE chỉ là bước đầu tiên trên chặng đường du học Nhật Bản thôi. Phía sau còn rất nhiều việc bạn cần làm. Hãy bình tĩnh và tuân thủ lộ trình dưới đây, chắc chắn bạn sẽ đến Nhật nhập học thành công, theo đúng tiến trình du học đã định của mình.

Vậy có COE thì khi nào có visa? Khi nào có Visa sẽ phụ thuộc vào thời gian học sinh chuyển tiền học phí cho nhà trường và thời gian DHS nộp hồ sơ xin visa tại Đại sứ quán. Vì sau khi có kết quả COE và nhận giấy tờ gốc trường gửi về Việt Nam thì bạn mới có thể nộp hồ sơ xin visa. Hãy xem quy trình và các thủ tục dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

SAU KHI CÓ COE THÌ LÀM GÌ? HOÀN THÀNH NHỮNG THỦ TỤC NÀO?

1. Chuẩn bị tài chính là việc đầu tiên cần làm sau khi có COE

Ngay sau khi có Kết quả COE Nhật Bản, các trường sẽ phát hành bản Scan Yêu cầu nộp học phí và phí Ký túc xá (Invoice), gửi cùng Giấy phép nhập học (COA) và COE.

Gia đình cần chuẩn bị chi phí để nộp cho trường.

Phương thức nộp tiền:

Có thể chuyển khoản trực tiếp sang Nhật cho trường (nếu gia đình có kinh nghiệm chuyển tiền quốc tế) hoặc ủy quyền nộp cho JVGROUP.

Thời hạn nộp tiền:

Thông thường, hạn nộp học phí sẽ không quá 01 tháng kể từ ngày trường phát hành Invoice.

Sau khi gia đình nộp tiền thành công, Nhà trường sẽ gửi các Hồ sơ gốc về Việt Nam, chuẩn bị cho các bước tiếp theo trong Quy trình du học.

Ngoài tiền học phí nộp cho trường, gia đình cũng cần chuẩn bị tiền sinh hoạt trong ít nhất 03 tháng đầu tiên đến Nhật. Số tiền cụ thể sẽ phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng và khả năng của gia đình.

Với những bạn nhập học bậc Đại học hoặc Hệ đào tạo cao hơn, học phí sẽ cần được nộp cho trường ngay sau khi có kết quả trúng tuyển.

2. Phải duy trì việc học tiếng Nhật sau khi có COE đến tận khi bay sang Nhật

Rất nhiều du học sinh và các trung tâm du học lơ là việc dạy và học tiếng Nhật sau khi học viên đã có COE. Đây là lỗi sai nghiêm trọng trong quá trình chuẩn bị hành trang sang Nhật. Bởi:

Thứ nhất, tiếng Nhật là ngôn ngữ khó nhớ nhưng cũng rất nhanh quên. Chỉ cần bỏ bê việc học 1-2 tuần là có thể bạn đã quên rất nhiều kiến thức. Cho dù không học thêm kiến thức mới; thì JVGROUP khuyên bạn nên duy trì việc ôn tập tiếng Nhật hằng ngày để không bỏ phí công sức học tiếng Nhật trước đó.

Thứ hai, tuy đã có COE nhưng bạn phải xin Visa được cấp bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thì mới có thể nhập cảnh vào Nhật. Ở bước tiếp theo, JVGROUP sẽ giải thích cụ thể tại sao tiếng Nhật lại cực kỳ quan trọng trong việc xin cấp visa.

3. Xin visa du học Nhật Bản 

Sau khi nhận được giấy tờ gốc trường gửi về Việt Nam, du học sinh sẽ tiến hành chuẩn bị hồ sơ xin Visa.

Hồ sơ bao gồm:

  • Hộ chiếu gốc (còn hạn)
  • Phiếu khai thông tin: Tải form tại đây
  • Ảnh 4.5 x 4.5
  • COE (1 bản gốc + 1 bản photo)
  • Giấy xác nhận văn bằng tốt nghiệp THPT (với ứng viên nhập học trường Nhật ngữ)
  • Chứng chỉ tiếng Nhật (với ứng viên nhập học trường Nhật ngữ)
  • Lệ phí xin visa
  • Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Sáng từ 8:30- 11:30 các ngày trong tuần (trừ ngày nghỉ lễ)

Địa chỉ nộp hồ sơ:

  • Hà Nội: 27 Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
  • Hồ Chí Minh: 261 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Cách thức nộp hồ sơ:

Trường hợp cá nhân → Nộp tại Đại lý ủy thác được chỉ định (phí dịch vụ sẽ phát sinh riêng).

Trường hợp nộp theo đoàn của công ty du học, công ty xuất khẩu lao động được chính phủ Việt Nam chứng nhận và đoàn của công ty nộp cho nhân viên trực thuộc → Nộp tại cửa sổ lãnh sự hoặc Đại lý ủy thác được chỉ định (phí dịch vụ sẽ phát sinh riêng).

Tất cả các hồ sơ thiếu, không hợp lệ đều sẽ bị trả về. Do vậy, JVGROUP khuyên bạn nên liên hệ Trung tâm du học Nhật Bản uy tín để nhận được tư vấn và hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ đầy đủ nhất.

4. Chuẩn bị tinh thần phỏng vấn visa với Đại sứ quán

Ứng viên visa du học là những người đã được cấp COE dựa theo nguyện vọng học tiếng Nhật và có năng lực tiếng Nhật cơ bản. Tuy nhiên, nhằm phát hiện ra những trường hợp không có năng lực tiếng Nhật cơ bản, hoặc có nghi ngờ việc xin visa với mục đích giả mạo, Đại sứ quán sẽ tiến hành thi phỏng vấn để xác nhận năng lực tiếng của người xin visa du học.

Đây là lí do vì sao JVGROUP cho rằng, việc duy trì học tiếng Nhật sau khi có COE là điều cần thiết, thậm chí là bắt buộc. Dù xác suất phỏng vấn không phải 100% nhưng không có tiêu chí cụ thể cho việc lựa chọn ứng viên cần phỏng vấn. Đồng thời, việc phỏng vấn ngày càng khó; nhằm sàng lọc được những ứng viên thực sự xứng đáng theo học tại Nhật. Vì vậy, hãy học tiếng Nhật một cách thật nghiêm túc xuyên suốt quá trình du học nhé.

5. Nhận Visa du học – Có COE thì khi nào có visa?

Thời gian nhận visa: Từ 1h30 đến 4h45 chiều các ngày trong tuần (trừ ngày nghỉ lễ).

Thông thường, với những ứng viên không cần phỏng vấn, visa sẽ được trả sau 8-10 ngày làm việc.

Với những ứng viên cần phỏng vấn, thời gian trả visa có thể lên đến 01 tháng kể từ ngày tiến hành phỏng vấn.

6. Xác nhận lịch bay và chuẩn bị hành lý đến Nhật

Sau khi có visa, nhà trường và trung tâm du học sẽ xác nhận lịch nhập quốc cho bạn. Để đảm bảo việc nhập cảnh được suôn sẻ và giúp bạn tiết kiệm chi phí trong những ngày đầu đến Nhật, JVGROUP có một số lời khuyên cho bạn như sau:

Nên chuẩn bị và để những vật dụng sau trong hành lý xách tay:

  • Hộ chiếu
  • COE bản gốc (ghim sẵn trong hộ chiếu)
  • COA
  • Giấy phép làm thêm (với những bạn nhập học Bậc trung học phổ thông không cần chuẩn bị trước giấy tờ này)
  • Tờ khai hải quan (tiếp viên hàng không sẽ phát cho bạn tờ khai hải quan trước khi máy bay hạ cánh, nhưng bạn nên tìm hiểu trước cách điền thông tin để tránh gặp trục trặc khi nhập cảnh)
  • Ví tiền
  • Điện thoại, đồ có giá trị khác

Với hành lý ký gửi, bạn cần lưu ý:

  • Chỉ nên mang đủ trang phục phù hợp với thời tiết của kỳ bạn nhập học. Quần áo tại Nhật không mắc như mọi người vẫn nghĩ và thường xuyên có các đợt giảm giá. Do vậy, bạn nên hạn chế mang những trang phục chiếm nhiều diện tích hành lý như áo khoác, áo phao…
  • Nên mang theo các thực phẩm khô để ăn trong những tuần đầu tiên đến Nhật, trước khi bạn quen với việc mua sắm tại Nhật.
  • Không được phép mang đồ nông sản, thức ăn nặng mùi (mắm tôm, sầu riêng..).
  • Không để sạc dự phòng và các thiết bị điện tử khác trong hành lý ký gửi.
  • Tránh mang quá trọng lượng cho phép bởi phí hành lý tại sân bay vô cùng đắt. Mỗi hãng hàng không có quy định khác nhau về trọng lượng và số kiện hành lý tối đa hành khách được phép mang. Bạn cần kiểm tra chắc chắn thông tin vé nhé.

7. Làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay trong nước

Hiện tại, có 3 sân bay trong nước thực hiện các chuyến bay quốc tế đến Nhật, gồm: sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội); sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Hồ Chí Minh); sân bay quốc tế Đà Nẵng. Bạn có thể đặt chuyến bay phù hợp nhất với nơi bạn đang sinh sống.

Các chuyến bay quốc tế đều mở cửa check-in trước 3 tiếng so với giờ khởi hành. JVGROUP khuyến cáo bạn nên có mặt tại sân bay trước 4 tiếng so với giờ khởi hành để kịp thời khắc phục những vấn đề phát sinh.

Sau khi làm thủ tục check-in tại Quầy thủ tục của hãng bay; bạn nên di chuyển vào khu Kiểm tra an ninh trước ít nhất 1 giờ so với giờ lên máy bay. Lượng du khách, du học sinh, người lao động,… đến Nhật thường rất đông. Nếu vào muộn, bạn có thể không kịp lên máy bay vì thời gian xếp hàng kiểm tra, đóng dấu hải quan có thể lâu hơn nhiều so với bạn nghĩ.

8. Làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Nhật Bản

Khi làm thủ tục hải quan tại Nhật, học sinh xuất trình các loại giấy tờ sau:

  • Hộ chiếu (kèm visa, COE)
  • Giấy phép làm thêm (Đặc biệt quan trọng. Nếu quên nộp giấy này tại sân bay; sau khi đến trường học sinh lại phải làm rất nhiều thủ tục phức tạp để được cấp. Du học sinh không được phép làm thêm nếu không có giấy phép)
  • Tờ khai nhập cảnh

Sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, du học sinh sẽ được cấp thẻ cư trú. Sau khi nhập cảnh, trong vòng 02 tuần bạn phải đến ủy ban thành phố/quận nơi bạn ở để nộp giấy cư trú.

Bên cạnh Thẻ cư trú, du học sinh cần có Sổ ngân hàng, bảo hiểm, sim điện thoại để được nhận làm thêm và sinh hoạt bình thường tại Nhật. Nếu đăng ký du học Nhật Bản qua JVGROUP, du học sinh sẽ được hỗ trợ miễn phí khi làm các thủ tục này trong 01 tuần đến Nhật.

Sau khi đã hoàn thành 8 bước này, bạn có thể bắt đầu cuộc sống du học tại Nhật Bản của mình rồi đó!

Đăng ký nhận tư vấn miễn phí